Rau diếp cá hay có những tên gọi khác trong dân gian như rau dấp cá, ngư tinh thảo là một loại rau ăn quen thuộc với người Việt. Đây là loại rau được nhiều người truyền tai nhau là có khả năng trị khỏi bệnh trĩ. Vậy rau diếp cá trị bệnh trĩ có đúng không?
1. Tổng quan về bệnh trĩ
Bệnh trĩ là tình trạng búi tĩnh mạch hậu môn bị căng giãn quá mức và gây ra những khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng sống. Những người bị bệnh táo bón lâu ngày, ngồi nhiều, đứng lâu, mang vác nặng, bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có thai, u vùng tiểu khung... có nguy cơ cao bị bệnh trĩ.
Tùy theo vị trí của búi trĩ mà người ta có thể phân thành trĩ nội hay trĩ ngoại. Trĩ nội là tình trạng bệnh lý của các búi trĩ nằm phía trên đường lược. Trĩ ngoại là tình trạng bệnh lý của những búi trĩ nằm phía dưới đường lược. Đối với các búi trĩ nội và trĩ ngoại thông với nhau thì tạo thành trĩ hỗn hợp. Trong một số trường hợp giữa các búi trĩ liên kết với nhau bằng các búi trĩ phụ tạo thành trĩ vòng.
Tùy theo mức độ sa giãn của búi trĩ mà phân thành các mức độ bệnh cụ thể như sau:
- Độ 1: mới hình thành, chảy máu là dấu hiệu triệu chứng chính.
- Độ 2: búi trĩ sa ra ngoài khi đi ngoài nhưng tự lên.
- Độ 3: búi trĩ sa ra ngoài khi đi ngoài, phải dùng lực đẩy mới lên được.
- Độ 4: búi trĩ sa ra ngoài thường trực và có thể bị thắt nghẹt, dẫn đến nguy cơ bị hoại tử.
2. Công dụng của diếp cá với người bệnh trĩ
Trong dân gian thường sử dụng rau diếp cá với công dụng tự đẩy lùi bệnh trĩ. Rau diếp cá còn có một tên gọi khoa học là Ngư tinh thảo. Đây là một trong những loại thực phẩm được sử dụng khá nhiều trong những bữa cơm hàng ngày của các gia đình, đặc biệt là vào mùa hè.
Rau diếp cá có vị chua, hơi cay, có mùi tanh đặc trưng. Loại rau này có khả năng giải độc, thanh nhiệt nên từ lâu đã được tận dụng để giảm các dấu hiệu triệu chứng khó chịu của trĩ. Cụ thể, theo những nghiên cứu y học hiện đại chỉ ra rằng diếp cá có chứa một số thành phần như:
Quercetin: Đây là chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid, có khả năng tiêu trừ những gốc tự do và tăng độ bền của thành mạch. Nhờ đó, loại rau này có thể kiểm soát tình trạng mạch máu sa giãn, ứ máu và dẫn đến nguy cơ tăng kích thước búi trĩ.
Decanonyl acetaldehyde: Loại chất này có công dụng kháng sinh mạnh. Từ các nghiên cứu cho thấy, thành phần này cho hiệu quả đối với cả vi khuẩn và nấm. Chính vì vậy, việc sử dụng diếp cá có thể có công dụng dự phòng hiện tượng viêm nhiễm khuẩn ở búi trĩ và hỗ trợ quá trình phục hồi, tái tạo nhanh hơn đối với các mô tổn thương.
Chất xơ: Diếp cá là một trong những loại rau xanh có chứa hàm lượng chất xơ tương đối cao. Chất xơ có tác dụng giúp làm mềm phân, tốt cho quá trình bài tiết, điều hòa các nhu động ruột và ngăn ngừa bệnh táo bón – đây là yếu tố đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh trĩ.
3. Rau diếp cá trị bệnh trĩ không?
Rau diếp cá có tính hàn, có thể sử dụng với công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, sát trùng. Trong rau diếp cá có chứa một lượng lớn hoạt chất Quercetin, Isoquercetin có tác dụng làm bền chắc mao mạch, tĩnh mạch. Ngoài ra, tinh dầu có trong rau diếp cá có công dụng tốt trong việc kháng viêm, tiêu sưng, diệt khuẩn nên có thể sử dụng để điều trị các bệnh lý tại đường ruột hay các bệnh da liễu...
Đối với người mắc bệnh trĩ, rau diếp cá có công dụng cụ thể là ngăn ngừa táo bón, giảm tình trạng viêm ngứa tại hậu môn, co búi trĩ... Từ đó, trở thành nguyên liệu được sử dụng khá nhiều với công dụng điều trị bệnh trĩ.
Qua các thông tin nêu trên có thể thấy trong rau diếp cá có chứa các thành phần giúp làm giảm triệu chứng của bệnh trĩ. Tuy nhiên, việc sử dụng rau diếp cá như thế nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa (ăn trực tiếp, xay sinh tố...). Tuyệt đối không tự ý bôi, đắp diếp cá lên các búi trĩ có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm. Bên cạnh đó, việc sử dụng diếp cá bổ sung trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày chỉ cần áp dụng với các trường hợp trĩ ở giai đoạn đầu và hiệu quả đem lại cũng tùy thuộc vào cơ địa của từng người cụ thể.
Tốt nhất khi nghi ngờ bản thân bị bệnh trĩ cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám chi tiết, chẩn đoán bệnh chính xác. Trên cơ sở đó có phương án điều trị phù hợp giúp điều trị bệnh trĩ toàn diện hiệu quả.
4. Cách sử dụng rau diếp cá chữa bệnh trĩ tại nhà
4.1. Ăn sống rau diếp cá
Cách sử dụng rau diếp cá trị bệnh trĩ tại nhà đơn giản nhất đó là ăn sống loại rau này. Rau diếp cá có tính mát nên từ trước tới nay được nhiều người ưa chuộng sử dụng làm rau sống trong các bữa ăn thường ngày.
Không những thế, thành phần của nó còn chứa nhiều công dụng như đã đề cập ở trên nên khi điều trị bệnh trĩ sẽ giúp cải thiện các dấu hiệu triệu chứng của táo bón, điều hòa nhu động ruột, làm bền thành mạch, kháng viêm và ức chế vi khuẩn phát triển.
4.2. Uống trà rau diếp cá
Ép lấy nước uống rau diếp cá trị bệnh trĩ. Tuy nhiên, loại nước này có mùi tanh và vị hơi khó uống nên không phải ai cũng sử dụng loại nước này được. Thay vào đó, bạn có thể chế biến rau diếp cá thành trà để giảm bớt sự khó chịu mà vẫn giữ nguyên được công dụng điều trị bệnh của nó.
Điều trị bệnh trĩ bằng rau diếp cá theo cách này rất đơn giản, bạn chỉ cần sấy hoặc phơi khô dược liệu này rồi cất đi, mỗi lần sử dụng lấy một nắm diếp cá hãm cùng 200 - 300ml nước sôi trong thời gian khoảng 10 - 15 phút rồi uống như các loại trà thông thường là được. Thông thường, việc uống trà rau diếp cá không những làm co búi trĩ, tiêu diệt ký sinh trùng, giải độc, điều trị táo bón mà còn thanh nhiệt cơ thể rất tốt. So với giải pháp ăn sống thì trà diếp cá đã giảm được mùi tanh đáng kể, rất phù hợp với người sợ mùi tanh của rau diếp cá.
4.3. Xông hơi rau diếp cá
Ngoài những cách sử dụng rau diếp cá điều trị bệnh trĩ như đã nói ở trên, bạn còn có thể xông rau diếp cá để giảm ngứa, làm co búi trĩ và hỗ trợ loại bỏ những vi khuẩn ở búi trĩ. Đây là cách sử dụng rau diếp cá trị bệnh trĩ tại nhà đem lại hiệu quả tương đối cao. Kinh nghiệm của những người đã thực hiện phương pháp điều trị bệnh này truyền lại rằng là sử dụng phương pháp xông lá diếp cá. Sau khi tập thể dục sẽ đạt được hiệu quả hơn, vì khi ấy tuần hoàn máu mạnh dẫn đến huyết ứ ở búi trĩ nhanh chóng đẩy sang cơ quan khác và qua đó mà kích thước của búi trĩ được giảm xuống.
Để điều trị bệnh trĩ bằng rau diếp cá xông hơi, bạn hãy cần:
- Sử dụng khoảng 2 bó rau diếp cá đem rửa thật sạch, một củ nghệ tươi đập dập, bổ đôi quả sung và thêm một thìa muối nhỏ vào một chiếc nồi.
- Chế với khoảng 2 lít nước và đun sôi.
- Đổ phần nước đã chế đó ra một chiếc bô và đặt cái ghế có khoét lỗ ở trên.
- Ngồi xông hậu môn trong khoảng thời gian là 15 phút.
Sau đó, nếu nước còn ấm, bạn có thể sử dụng để ngâm và rửa hậu môn trong thời gian 15 phút, rồi dùng khăn mềm để lau khô hậu môn.
Thời điểm xông rửa hậu môn tốt nhất là khi bạn vừa thực hiện các bài tập thể dục xong, hoặc khi đang đói bụng. Người thực hiện cần kiên trì áp dụng cách này trong thời gian từ 2 đến 3 tháng, sẽ thấy các búi trĩ co lên đáng kể.
5. Lưu ý khi sử dụng rau diếp cá trị bệnh trĩ
Trong quá trình điều trị bệnh trĩ bằng rau diếp cá tại nhà, để đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần nhớ:
- Luôn luôn ngâm rửa rau diếp cá với nước muối và nước sạch thật nhiều lần trước khi sử dụng để loại bỏ các loại tác nhân gây hại như vi nấm, bụi bẩn, vi khuẩn, xác động vật,...
- Dược liệu khi chưa được làm sạch đã đem đi sử dụng không những giảm hiệu quả mà còn dễ làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm, khó đạt được tác dụng như mong muốn.
- Trước khi thực hiện cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng rau diếp cá cũng cần vệ sinh hậu môn thật sạch sẽ.
- Duy trì thực hiện các phương pháp điều trị đều đặn và kiên trì trong một thời gian dài mới thấy được hiệu quả.
- Cần kết hợp vừa điều trị bệnh trĩ tại nhà bằng rau diếp cá, vừa thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày mới đạt được mục đích chữa bệnh cao nhất.
Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc về rau diếp cá trị bệnh trĩ.
Tin tức khác
- Bạn mắc bệnh tiểu đường và luôn cảm thấy mệt mỏi? Top thực phẩm giàu protein, hãy ăn nhiều hơn (1171 lượt xem)
- Người mắc bệnh tiểu đường sống trên 80 tuổi thường có 5 đặc điểm (378 lượt xem)
- Những thay đổi sau đây xảy ra nhắc nhở lượng đường trong máu của bạn đã tăng lên (327 lượt xem)
- BÀN CHÂN NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG (745 lượt xem)