Cây khúng khéng có tác dụng giải rượu cực hiệu quả, nổi tiếng ở vùng các dân tộc Tây Bắc.
Tên tiếng Việt: Khúng khéng , Chỉ cụ, Kê trảo, Vạn thọTên khoa học: Hovenia dulcis Thunb.Họ: Rhamnaceae (Táo ta)Công dụng: Thuốc bổ, giải độc, chữa khát, lợi tiểu (Quả). Quả còn có tác dụng giải say rượu.
1. Mô tả:
Cây to, cao khoảng 7-10 m. Vỏ thân màu nâu xám. Cành non màu nâu hồng, có lông nhỏ và nốt sần. Lá mọc so le, có cuống dài, gốc tròn, đầu có mũi nhọn, mép khía răng nhọn đều, 3 gân tỏa từ gốc lá, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành xim ngắn hơn lá; hoa màu lục nhạt, đài hình chén khía 5 răng nhỏ; tràng 5 cánh nhọn, nhị 5 xếp xen kẽ với cánh hoa; bầu có đầu nhụy chia ba.
Quả hình cầu, màu nâu xám, khi chín những nhánh con (cuống) mang quả phồng to lên, mọng nước, màu hồng, vị ngọt, ăn được, hạt tròn dẹt, màu nâu bóng.
Mùa hoa: tháng 6 – 8, mùa quả : tháng 9 – 11.
2. Phân bố, sinh thái:
Chi Hovenia Thunb. chỉ có một loài là cây khúng khéng, phân bố ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới Đông – Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngoài ra còn gặp ở Nga và vùng cận Himalaya của Ấn Độ.
Cây thường mọc trong các thung lũng, gần bờ suối trên các loại đất còn tương đối màu mỡ. Ở Việt Nam, khúng khéng là cây nhập nội, được trồng rải rác ở các vùng Lạng Sơn và Cao Bằng. Cây ưa sáng, thường có ở vườn hoặc bờ nương rẫy, ra hoa quả nhiều. Xung quanh cây mẹ thường thấy cây non mọc từ hạt.
Có thể trồng khúng khéng bằng hạt hoặc bằng cây mọc từ chồi rễ.
3. Bộ phận dùng:
Quả và nhánh con mang quả, thu hái khi quả chín, phơi khô. Tránh phơi nắng to và sấy ở nhiệt độ cao để bảo đảm màu sắc và phẩm chất dược liệu. Hạt thu hái ở quả già, phơi khô.
4. Thành phần hóa học
Quả khúng khéng chứa lipid 74%, protein 3,07%, acid toàn phần 358,8 mg/1000g, ascorbat 16,29 mg/ 100g, đường khử 13,96 %, acid amin 2,38 mg/ 100g; chất vô vơ gồm Fe 3.47 mg%, P 0.89 mg%, Ca 132.0 mg%, Cu 0.12mg%, Mn 0.19 mg%, Zn 0.4 mg%.
Hạt khúng khéng chứa alcaloid perlorin, perlolyrin, ß – carbolin.
Lá chứa các Saponin triterpenoid.
Giá trị dinh dưỡng của khúng khéng thể hiện ở các chất đường, Protein và các vitamin B1, B2, C, caroten, các muối khoáng K, Na, Ca, Mg và Fe.
Gần đây người ta phát hiện thêm nhiều hợp chất Flavonoid và các chất này có tác dụng bảo vệ gan.
5. Tính vị:
công năng Khúng khéng có vị ngọt, hơi chát, có tác dụng tiêu khát, nhuận tràng, lợi tiểu, giải độc.
6. Công dụng:
Khúng khéng là thuốc bổ dưỡng, trị tiêu hóa và đại tiểu tiện kém, nôn mửa, ngộ độc, miệng khô khát.
Khi dùng lấy 100g dược liệu ngâm với một lít rượu 40o càng lâu càng tốt. Rượu có màu đỏ sẫm như rượu vang. Ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần 30ml.
Ở Trung Quốc, cuống quả khô và hạt được dùng trị say rượu, miệng khát, nôn mửa, đại tiểu tiện không lợi. Ngày dùng 6g, ngâm rượu uống.
Ở Ấn Độ, cao chiết từ quả khúng khéng chứa kali nitrat và kali malat là thuốc có tác dụng lợi tiểu mạnh.
Tin tức khác
- Bạn mắc bệnh tiểu đường và luôn cảm thấy mệt mỏi? Top thực phẩm giàu protein, hãy ăn nhiều hơn (1170 lượt xem)
- Người mắc bệnh tiểu đường sống trên 80 tuổi thường có 5 đặc điểm (377 lượt xem)
- Những thay đổi sau đây xảy ra nhắc nhở lượng đường trong máu của bạn đã tăng lên (325 lượt xem)
- BÀN CHÂN NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG (745 lượt xem)