Hiện nay, có tới 12% dân số Việt Nam được chẩn đoán mắc bệnh sỏi tiết niệu và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng không ngừng. Thế nhưng hiểu biết của mọi người về căn bệnh này dường như còn nhiều hạn chế. Vậy sỏi tiết niệu là gì? Bệnh có nguy hiểm không và cần điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là bệnh lý khá thường gặp có thể gây ra các biến chứng nặng nề như nhiễm trùng, suy thận.
Trên thế giới tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu khoảng 2-12 % dân số. Trong đó nguy cơ mắc sỏi tiết niệu ở nam là 12 %, ở nữ là 4-5%. Đây là bệnh khá phổ biến ở các phòng khám thận tiết niệu
Sỏi tiết niệu có thể phân bố ở các vị trí sau: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Trong đó gặp nhiều nhất là sỏi thận chiếm khoảng 40%. Thông thường có khoảng 80% sỏi được hình thành tại thận sau đó có thể di chuyển xuống niệu quản , bàng quang và được đào thải ra ngoài qua nước tiểu.
Thành phần của sỏi tiết niệu rất đa dạng trong đó khoảng 80% là sỏi calci (calxioxalat hoặc calciphosphat), ngoài ra có thể có các thành phần khác như sỏi uric, struvite, sỏi cystine.
Nguyên nhân hình thành sỏi tiết niệu có nhiều giả thuyết, có thể do có một lượng lớn các chất tan bão hòa trong nước tiểu như calci, oxalate và từ đó hình thành nên các tinh thể như calcioxalat và lắng đọng ở thận, tăng dần kích thước, hình thành nên viên sỏi.
Những ai có nguy cơ bị sỏi tiết niệu?
- Người uống ít nước <1,2 lít nước /ngày làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
- Những người thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động
- Những người làm việc trong điều kiện nóng, vận động quá mức: vận động viên điền kinh.
- Chế độ ăn nhiều đạm, nhiều mỡ động vật, ít chất xơ
- Chế độ ăn ít calci
- Ăn nhiều thức ăn có chứa oxalate: củ cải, dâu tây, khế, khoai lang, uống chè, café, coca.
- Chế độ ăn nhiều muối, ít kali
- Ăn nhiều đường
- Uống nhiều vitamin C, vitamin D, dùng lợi tiểu thiazid.
- Những người mắc một số bệnh sau có nguy cơ bị sỏi tiết niệu như: bệnh cường cận giáp, bệnh goute, đái tháo đường, béo phì, viêm ruột, hội chứng ruột ngắn.
- Bệnh nhân có tiền sử bị sỏi tiết niệu có nguy cơ bị sỏi tái phát trong vòng 5 năm là 10-30%. Những người có tiền sử gia đình bị sỏi có nguy cơ bị sỏi tiết niệu gấp 2 lần người không có.
Sỏi tiết niệu có thể gây ra những hậu quả gì?
- Cơn đau quặn thận: bệnh nhân có thể nhập viện trong tình trạng đau hông lưng, lan xuống bụng dưới, đau dữ dội, có thể kèm nôn, buồn nôn thường xuất hiện khi sỏi di chuyển từ niệu quản xuống bàng quang
- Nhiễm trùng tiết niệu
- Tiểu máu
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu gấp
- Suy thận cấp hoặc mạn
Sỏi tiết niệu được điều trị như thế nào?
Đối với sỏi < 5mm có thể tự đào thải tự nhiên qua nước tiểu trong vài tuần, tuy nhiên nên kết hợp với uống nhiều nước khoảng trên 2 lít nước mỗi ngày và tăng cường đi bộ. Bác sỹ có thể kê một số thuốc để viên sỏi có thể dễ dàng được đào thải ra ngoài. Bệnh nhân nên được theo dõi tại các chuyên khoa thận tiết niệu.
Có khoảng 20% sỏi tiết niệu cần các can thiệp ngoại khoa như: lấy sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi niệu quản, mổ mở để lấy sỏi được chỉ định dựa vào vị trí, kích thước số lượng sỏi.
Làm thế nài để phòng ngừa sỏi tiết niệu?
- Uống nhiều nước khoảng 2 lít nước mỗi ngày
- Sử dụng một lượng canxi phù hợp từ thức ăn và nước uống
- Nên tránh uống viên canxi và vitamin D, vitamin C
- Ăn nhiều chất có kali như rau xanh và hoa quả
- Hạn chế ăn nhiều thức ăn có chứa oxalate như khế, dâu tây, khoai lang, socola , các loại hạt, nước cam quýt, uống chè, cocacola, cafe
- Đối với bệnh nhân bị sỏi tiết niệu nên đến khám định kì tại các chuyên khoa thận tiết niệu và cần khám lại ngay nếu có các dấu hiệu như: đau vùng thắt lưng, tiểu máu, sốt, tiếu buốt rắt.
Tin tức khác
- Bạn mắc bệnh tiểu đường và luôn cảm thấy mệt mỏi? Top thực phẩm giàu protein, hãy ăn nhiều hơn (1198 lượt xem)
- Người mắc bệnh tiểu đường sống trên 80 tuổi thường có 5 đặc điểm (396 lượt xem)
- Những thay đổi sau đây xảy ra nhắc nhở lượng đường trong máu của bạn đã tăng lên (344 lượt xem)
- BÀN CHÂN NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG (763 lượt xem)